彭少梅 《 Mái Trường Xưa 》 美國

        Hè 2016,  tôi có dịp về  Việt Nam  thăm gia đình.  Có dịp ra chợ Biên Hòa.  Đứng trước cửa chợ mới Biên Hòa, tiếng ồn ào của người dân trong chợ hòa với tiếng kèn xe trên đường phố trước cửa chợ, khiến tôi chạnh lòng nhớ lại những kỷ niệm và hình ảnh thân yêu ngày xưa của thời thơ ấu còn là một học sinh của trường Dục Đức. Trước mặt tôi nơi đây ngày xưa chính là mái Trường Trung Học Dục Đức Biên Hòa.

        Tôi còn nhớ tôi đã vào trường  Dục  Đức  bắt  đầu  học  từ lớp mẫu giáo.  Lúc  đó trường còn mang tên Trường Tiểu Học Dục Đức.  Lớp mẫu giáo bấy giờ mỗi ngày còn phải theo sự hướng dẫn của cô giáo xếp hàng đi qua lớp học ở một công sở gần trường. Đến khi lên lớp một tôi mới được học ngay trong trường.  Trường  lúc  đó  có  một sân vận động khá rộng. Cổng trường đối diện với rạp hát Vạn Khánh Hưng. Một rạp chiếu bóng mà hầu như đều chiếu phim Ấn Độ.Trường Tiểu Học Dục Đức lúc đó còn là một ngôi  trường  một  tầng  với kiến trúc cũ,  mái nhà trường lợp bằng gạch ngói,  nền  đất trường thấp. Nhiều lớp học hay bị ngập nước do những trận mưa to. Sau đó, thông qua nhu cầu số lượng của học sinh gia tăng,  sự  nhiệt  tình,  và nỗ lực của nhà trường cùng với các  Bang phụ huynh học sinh.  Trường  đã  được xây dựng mới lại thành một ngôi trường cao năm tầng, và được mang tên là "Trường Trung Học Dục Đức Biên Hòa".

        Trường Trung Học Dục Đức lúc đó luôn được mọi người ngợi khen là một trường có kỷ luật tốt và học sinh lễ phép. Tất cả học sinh của trường  Dục  Đức  đều  phải mặc đồng phục đi học.  Nữ mặc áo trắng đầm váy xanh.  Áo  trắng  quần ngắn xanh cho các học sinh nam tiểu học và quần tây xanh cho những học sinh nam  trung  hoc.  Đặc  biệt  trên ngực áo của học sinh phải có huy hiệu trường và danh số học sinh.  Thêm  vào đó tất cả học sinh đều phải mang giày đi học.  Nhà trường không cho phép học sinh mang dép đi học.  Khi đến trường, bước vào cổng trường luôn có hai học sinh trong đội phục vụ đứng trực ở ngay hai bên trước  cửa  trường.  Khi  vào  trường,  nếu  có gặp thầy cô giáo, học sinh phải đứng nghiêm cuối đầu chào thầy cô.  Đội  phục  vụ  học  sinh được thành lập theo sự tự nguyện gia nhập của học sinh, để phụ giúp nhà trường và  thầy  cô để quản lý trật tự trong những giờ ra chơi và giờ tan học.  Học  sinh  đi  học  mỗi  ngày hai buổi. Buổi sáng học bốn tiết, buổi chiều học ba tiết. Mỗi tiết học kéo dài năm mươi phút.  Tiết  cuối cùng trong ngày chỉ có ba mươi phút để dành riêng cho các chủ nhiệm lớp chỉnh lý,  tổng kết,  và sinh hoạt với học sinh của lớp mình trong một  ngày.  Riêng thứ  Bảy  chỉ học một buổi sáng,  và  duy ngày  Chúa Nhật và các ngày lễ là được nghỉ. Nhà trường dạy đầy đủ các bộ môn học  Hoa  ngữ và  Việt  ngữ bao gồm toán,  lý,  hoá học, địa lý, lịch sử, v.v... ngoài ra còn có giờ thể dục,  mỹ thuật, và âm nhạc để cho học sinh được thư giãn.  Những giờ vào học và giải lao của trường được báo hiệu qua bằng tiếng  chuông kéo của trường.  Để tỏ lòng tôn kính tiếng chuông  trường,  nhất là trong những giờ ra chơi,  tất  cả  các học sinh phải ngưng mọi hoạt động và đứng yên tại  chỗ khi nghe tiếng chuông của  nhà  trường  vang  lên.  Tôi  còn  nhớ  âm  thanh  của  tiếng chuông trường thật thanh thoát và nhịp nhàng.  Tiếng chuông trường đã gắn với lịch sử của trường. Ở ngôi trường cũ, cái chuông được treo ngay trên cổng hành lang trước cửa văn phòng của các thầy cô giáo. Sau khi trường được xây cất mới, cái chuông vẫn được bảo trì và di chuyển theo qua ngôi trường mới cùng với các thầy cô và các học sinh của trường Dục Đức. Nhắc đến tiếng chuông trường làm cho tôi cũng không thể quên được hình ảnh bác kéo chuông trường. Bác ấy có dáng người nhỏ thó, ngoài việc kéo chuông, mỗi ngày bác còn gù gù,  lủi thủi quét dọn sân và đóng mở cổng trường, và kiểm tra lại bóng đèn của các lớp học phải được tắt khi học sinh đã hoàn toàn ra  về.  Thỉnh  thoảng  tôi thấy bác có hơi nổi quạu vì bị một vài em học sinh nhỏ thường xuyên phá phách và chọc ghẹo.  Nhưng  bác không than phiền công việc của mình.  Sau  một ngày làm việc mệt nhọc,  tôi  thấy  bác  luôn đặt niềm vui và thư giãn trong cây kèn khẩu cầm của bác. Bác thổi khẩu cầm rất hay, có lần tôi được nghe bác thổi bài "Cao Sơn Thanh”(高山青) rất hay và rất thích.  Nơi cư ngụ của bác ở dưới góc chân cầu thang,  chỉ  một cái  tủ sắc nhỏ có nhiều ngăn tủ để bác có thể để các đồ cá nhân,  và  một  chiếc giường bé nhỏ đủ cho bác đặt lưng nghĩ ngơi sau một ngày làm việc.  Bác  đã  âm  thầm  góp sức cho học sinh trường Dục Đức của chúng tôi lúc bấy giờ luôn có một ngôi trường sạch sẽ, có giờ giấc kỷ luật học tập  đúng giờ,  để các thầy cô giáo và học sinh có một môi trường luôn sạch đẹpđể dạy dỗ và học tập.

        Bây giờ thời gian đã đi qua như tiếng chuông trường mỗi ngày báo  hiệu  thời gian trong quá khứ đã đi qua.  Nhiều  sự việc đã thay đổi.  Trước  mặt tôi bây giờ là ngôi chợ Biên  Hòa đã thay thế trường  Dục  Đức của chúng tôi.  Nhưng  dư âm của tiếng chuông trường, hình ảnh của bác kéo chuông,  và những hình ảnh sinh hoạt thân thương của mái trường  xưa  vẫn  còn  trong lòng tôi và trong lòng của tất cả những  thầy cô giáo và  học sinh "Trường Trung Hoc Dục Đức Biên Hòa".

Mai Banh

Viết thư cho Banh Thieu Mai, xin nhấn vào ĐÂY.

Copyright © 2008-2018 www.ducducbienhoa.com. All Rights Reserved.