《育德學生 專欄》

Thương tiếc Thầy Dương Bội Cơ










Các cựu học sinh trường Dục Đức 《Thương tiếc Thầy Dương Bội Cơ》 美國

(Cựu hiệu trưởng Trường Trung Tiểu Học Dục Đức, thành phố Biên Hòa,  tỉnh  Đồng Nai)

        Vừa qua,  chúng tôi nhận được tin buồn từ  Việt  Nam  báo cho biết thầy  Dương Bội Cơ,  cựu  hiệu  trưởng  trường  Trung Tiểu Học Dục Đức  (từ năm  1967 đến năm 1975), đã từ trần vào lúc 0 giờ 30 phút, rạng sáng ngày 27 tháng 10 năm 2006, hưởng dương 91 tuổi.  Linh cửu của thầy đã được gia quyến,  nhiều thân hữu Hoa Kiều,  các cựu giáo chức  đồng  nghiệp và đông đảo học sinh tiển đưa đến nơi an nghĩ cuối cùng tại nghĩa trang Bang Hẹ của hội người Hoa tại tỉnh Bình Dương.

        Thầy  Dương Bội Cơ sinh năm 1915 tại tỉnh  Quảng Đông,  Trung  Quốc.  Trong những năm nội chiến khốc liệt, hàng vạn người Hoa đã bỏ quê cha đất tổ để chạy lánh nạn sang các nước láng giềng. Thầy Cơ cùng gia đình đến tạm cư tại nước Cam-Bốt. Một thời gian sau, di cư sang lập nghiệp tại Việt Nam.

        Thầy Cơ vốn thông minh,  học thức sâu rộng và yêu thích giảng dạy, nên đã chọn ngành giáo dục làm nguồn vui và lý tưởng sống cho đời mình. Thầy đã từng là giáo sư tại các trường Hoa ngữ ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh. Năm 1967, thầy Cơ được mời giữ chức hiệu trưởng Trường Tiểu Học Dục Đức.  Khi  ấy,  trường  chỉ là một ngôi trường nhỏ,  thật khiêm tốn so với những trường học khác trong thành phố. Trường chỉ có bậc tiểu học và do nhiều phụ huynh của các  Bang  Hội  Hoa kiều sáng lập.  Sau  khi nhậm chức hiệu trưởng,  thầy Cơ đã để hết tâm trí, năng lực và lòng nhiệt tâm để canh tân và phát triển trường.  Thầy phối hợp với  Ban  Tổng  Sự  Bang Hôị và  Ban điều hành của Trường  thiết  định  một  số  kế  hoạch  để mở rộng và nâng cao chương trình giáo dục, nhắm vào mục tiêu đào tạo nên một thế hệ trẻ vừa có trình độ học vấn cao, vừa có một nền đạo đức tốt.

        Tiện thể,  chúng  tôi muốn có đôi dòng sơ lược về quá trình xây dựng trường Dục-Đức,  do sự kể lại của ông Trầm Minh,  nay đã trên 70 tuổi,  là cựu học sinh của trường từ năm 1945-1948, hiện đang cư ngụ tại Califonia.

        Ông Minh cho biết,  trước  năm  1945,  tại  Biên  Hòa cũng như các miền hay tỉnh khác ở Nam Kỳ,  có  một  số khá đông Hoa Kiều,  phần  đông  là  những người  Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hẹ và Hải Nam. Họ đến đây để lập nghiệp. Tập thề Hoa Kiều này chia ra làm nhiều Bang để sinh hoạt chung với  nhau.  Ngưòi  có  danh vị cao nhất là Bang trưởng, được Pháp công nhận căn cứ vào tài sản và uy thế.

        Buổi sơ khai,  mổi  Bang  đã  tự tổ chức riêng rẻ những lớp dạy tiếng Hoa cho các con em của mình.  Về  sau,  vì  số  học sinh của mổi Bang quá ít và khả năng tài chánh yếu kém, nên vào năm 1945,  các  Bang  quyết  định  phối  hợp các lớp học riêng rẽ lại thành một trường học duy nhất và đặt tên là  "Trường  Công  Lập  Liên  Hội  Hoa Kiều Biên Hòa",  đặt  dưới  sự điều hành của tất cả các Bang nêu trên. Có thể nói đây là một trong các  trường  học  tư  lập đầu tiên của  người Hoa ở các tỉnh miền Nam Việt  Nam. Ban đầu, trường nhận dạy miễn phí.  Tất  cả các ngân khoản chi tiêu của trường đều do sự đóng góp của các phụ huynh và từ những sinh hoạt gây quỹ của các Bang.

        Theo lời của các bậc trưởng thượng kể lại thì trường Dục Đức thuở xưa là nơi giải trí hộp đêm.  Ông  Bang Trần Lâm là Bang trưởng của Bang Phúc Kiến, đã đứng ra xin chính quyền  Pháp  cho  cơ  sở  hộp đêm này thành lập nên trường dạy học tiếng Trung Hoa.  Trường  được  khởi  công xây dựng dưới sự liên hợp bảo trợ của bốn Bang (Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, và Hẹ+Hải Nam).  Ngân quỹ đôi khi thiếu hụt đã được Ông Bang Trần Lâm ứng thêm.

        Các  Bang  đã  lập  ra nhiều phương pháp gây quỹ cho trường như:  lể hội đấu gía  lồng  đèn  được  tổ  chức hàng năm trong dịp lễ cúng Ông ở Cù Lao Phố.  Ngoàỉ  ra là  phương  thức  lấy  xâu  từ  những  sòng bài mạc chược thường xuyên được tập hop tại tiệm nước Hai Căn nằm trên đầu chợ Biên Hòa cũng được áp dụng.  Từ đó, nhà trường mới có thêm ngân quỹ để mướn thầy cô, và trang trải nhiều chi phí khác.

        Vị hiệu trưởng đầu tiên là thầy Đặng Tự  Đạt,  kế đến là hiệu trưởng Hàn. Trường Dục Đức từ đó luôn trên đà phát triển, mặc dù phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn.

        Vào năm 1954,  với  chính sách cải cách giáo dục của chính phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm,  tất  cả các trường tư lập của Hoa Kiều phải có chương trình giáo dục song ngữ: tiếng Việt và Hoa. Vị hiệu trưởng buộc phải hiểu biết thông thạo cả hai ngôn ngữ.  Vì thế,  thầy Trương Dịch Trung là người Hoa nhưng giỏi Việt ngữ,  đã được mời đảm nhận chức vị hiệu trưởng.  Từ đấy, trường đã bắt đầu giảng dạy theo chương trình song ngữ, đồng thời được đổi tên là "Trường Tư Thục Tiểu Học Dục-Đức".

        Thời gian sau,  vì  số  lượng  học sinh ngày một đông, nhưng ngân quỹ do sự đóng góp của  các  mạnh thường quân không đủ đáp ứng cho các khoản chi phí ngày một gia tăng của trường.  Ban  điều  hành trường đã đi đến quyết định thâu học phí của các học sinh.

        Sau một thời gian làm hiệu trưởng,  thầy Trương Dịch Trung bất đầu tham gia vào các hoạt động chính trị và bận rộn cho việc chuẩn bị tranh cử vào  Hội Đồng Nhân Dân tỉnh.  Do đó năm 1967,  ban  điều  hành trường quyết định tìm người thay thế thầy. Qua sự giới thiệu của ông  Bang Ngụy Toàn,  một  thành  viên của Bang Hội Hoa Kiều Biên Hòa,  thầy  Dương  Bội  Cơ  đã được Ban chấp hành của trường tín nhiệm mời về nhận chức Hiệu Trưởng.

        Sau khi Thầy nhậm chức, kế hoạch canh tân đầu tiên của Thầy và Ban Chấp Hành là nâng cao cấp cho trường lớp, từ bậc tiểu học lên trung học đệ nhất cấp (lớp 7 đến lớp 9).  Đồng  thời, một dự án xây cất một ngôi trường mới cũng được đưa ra và được toản thể tán thành.  Ban  chấp hành các Bang Hội và nhà trường kêu gọi mọi Hoa kiều trong tỉnh không phân biệt giàu nghèo,  ít nhiều tùy khả năng, đóng góp tiền của để xây dựng một ngôi trường mới.  Thầy  Dương  Bội  Cơ và Ban Chấp Hành không muốn làm gián đoạn việc học của các học sinh,  nên  quyết  định tiến hành song song hai việc: vừa xây dựng trường mới,  vừa  tiếp  tục  giảng  dạy. Vì vậy các niên học của học sinh đã không phải  bị  đình  chỉ hoặc  ảnh hưởng trong thời gian trường đang xây cất. Từ ngôi trường củ kỹ thường hay bị ngập nước sau  những  trận  mưa  lớn,  một  ngôi  trường  mới  với nhiều tầng lầu cao đã được hoàn tất vào học kỳ 1970-1971.  Niềm  mơ ước bấy lâu của các Bang Hội và phụ huynh Hoa kiều đã trở thành hiện thực.

        Ngôi trường mới có màu sơn  trắng,  khang  trang,  đứng  trang  nghiêm kiêu hãnh gần bờ sông Đồng Nai. Trường có năm tầng lầu gồm hơn 20 phòng học. Trường cón có các phòng nội trú cho giáo viên và học sinh từ xa đến.  Ngoài  ra  còn  có một phòng ăn tập thể,  một  Hội  Đường lớn bao gồm sân khấu với đầy đủ các nhạc cụ, một phòng thí nghiệm đầy đủ tiện nghi.  Trường  còn  có  sân chơi bóng rỗ,  vũ cầu,  phòng chơi bóng bàn,  phòng thể dục có trang bị nhiều khí cụ và thư viện với đầy đủ sách vở để học sinh và giáo viên tham  khảo.  Trường  còn  có  một  phòng  hợp tác xả nhỏ bán dụng cụ học đường với giá rẻ cho học sinh.

        Nhờ sự nới rộng chương trình học,  các  con em người Hoa ở  Biên Hòa kể từ năm 1971,  sau  khi tốt nghiệp bậc tiểu học, có thể tiếp tục học lên đến lớp 9, mà không phải khăn gói xuống  Chợ-Lớn  để  học  bậc  trung  học,  như  các bậc niên trưởng trước kia. Cũng xin nhắc thêm, ngoài việc nâng cao từ bậc lớp  Tiểu học lên Trung,  trường  đã có một khu vưc dành riêng cho các bé lớp mẫu giáo, bao gốm phòng học và những thiết bị cho các em được chơi đùa sau những giờ học.  Trước  kia, lớp mẫu giáo phải mượn nơi giãng dạy tại một Công Sở của chùa người Hoa ở gần trường.

        Sau đó với mục  đích  nâng  cao  khả  năng  Việt  ngữ của các học sinh người Hoa. Thầy  Dương  Bội  Cơ  cùng ban chấp hành tuyển chọn một số giáo sư Việt có trình độ giảng dạy cao,  từ các trường Việt ngữ như Trung Học Công Lập Ngô Quyền, Tư Thục Khiết Tâm đến để đảm trách giảng dạy các môn toán,  lý,  hóa, văn và sử địa.  Nhờ  đó, trình độ Việt ngữ của học sinh trường  Dục  Đức  đã  được  nâng cao một cách đáng kể. Đặc  biệt  là  từ  năm  1972,  trường  còn  mở  các  lớp  học ban đêm miễn phí dành cho những người lớn, giúp họ có cơ hội trao dồi thêm Hoa Văn và kiến thức văn hóa.

        Trong trách nhiệm dẩn dắt,  thầy Dương Bội Cơ đã nổ lực tuyển chọn một đội ngũ giáo viên có khả năng giảng dạy giỏi. Thầy đề nghị trả lương hậu cho các giáo viên, và thường xuyên kiểm tra chất lượng giảng dạy của thầy cô. Những thầy cô đạt tiêu chuẩn giảng dạy tốt thì sẽ được ký hợp đồng tiếp,  còn  ngược lại,  thì thầy mạnh dạn thay đổi ngay.  Kỷ  luật  nhà trường rất nghiêm khắc,  nhưng tình thầy trò luôn gắn bó. Các thầy cô luôn quan tâm và tận tình giúp đở các học sinh có học lực kém.  Quan  hệ  giữa  nhà trường, phụ huynh và học sinh luôn đoàn kết và thân thiết.

        Để cổ võ học sinh yêu mến và thông thạo tiếng mẹ đẻ, trường ra quy luật bắt buộc tất cả học sinh từ lớp ba trở lên phải nói tiếng  Phổ  Thông  (hay còn gọi  là  tiếng Quan Thoại) trong mọi sinh hoạt ở trường,  ngoại trừ  các  giờ  học  Việt  Ngữ.  Nhờ  phương pháp nầy mà nhiều học sinh am hiểu thông thạo cả hai ngôn ngữ.  Điển  hình  là những cựu học sinh xuất thân từ trường  Trung  Học  Dục  Đức  ngày  nay đều có một trình độ học vấn căn bản và thành thạo hai ngôn ngữ  Việt và  Hoa.  Đó  là những thành quả của các Bang Hội Phụ Huynh học sinh và quý Thầy Cô đã tích cực đóng góp vào.

        Nhà  Truờng  còn  đặc  biệt  chú trọng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh, về phương diện trí thức,  đạo  đức và thể lý.  Mỗi  học  kỳ,  trường đều tổ chức nhiều cuộc tranh  tài  và  thi  đua  thật hào hứng và vui nhộn giữa các cá nhân học sinh và giữa các lớp học, như các cuộc thi đố vui để học, diễn thuyết, văn nghệ. Đại hội thể dục thể thao gồm các giải thi bóng bàn,  cầu  lông,  bóng  rỗ,  kéo  dây,  chạy  đua tiếp sức… Những  cuộc  thi tài đọ sức hằng năm này như những cơn gió tươi  mát,  thổi  vào bầu khí sinh hoạt của trường những nguồn sinh lực mới,  đem  đến  cho  đời sống của trường một vẻ sinh động, trẻ trung, và thi đua tiến bước.  Nhờ thế, các anh chị em học sinh đã học hỏi tinh thần đoàn kết,  có  ý thức tổ chức và phấn khởi trong thi đua học tập.  Những  hình ảnh sống động thời ấy đã trở thành những kỷ niệm  êm  đẹp,  không  bao giờ  phai nhạt đối với anh chị em học sinh đã từng học hành dưới mái trường Dục Đức.

        Trong mục tiêu đào tạo cho học sinh có khả năng tổ chức tốt. Nhà Trường đã giúp đở và hướng dần học sinh thành  lập  "Học Sinh Tự Trị Hội”.  Hội  có nhiệm vụ duy trì trật tự, trợ giúp ban điều hành cùa nhà trường tổ chức và điều  hành  các  buổi  lễ  trong trường, cũng như thành lập đội trật tự, giữ gìn trật tự trong những giờ nghĩ giải lao. Khi tan trường về,  đội  trật tự còn giúp học sinh ra về theo hàng ngũ chỉnh tề và qua những con đường đầy giao thông phức tạp một cách an toàn.

        Trong những năm ấy,  trường  Dục  Đức  được  xem là một trong các trường có kỹ luật nhất của Tỉnh.  Trường  trên  đà  ngày càng tiến triển, đã đào tạo tốt nghiệp được 4 khóa  Trung Học Đệ Nhất Cấp và Trường đang trên chiều hướng mở rộng thêm đến Tú Tài toàn phần (Trung Học Đệ Nhị Cấp).  Kết thúc niên học 1974-1975, Trường đã hình thảnh được lớp 11.

        Sau 30 tháng tư năm 1975,  chính  quyền địa phương đã tiếp quản trường và giảng dạy theo phương  án  mới.  Trường  không  còn  dạy  tiếng  Hoa  nửa  mà chỉ  dạy  theo chương trình hệ phổ thông (Việt  Ngữ) như những trường địa  phương  khác.  Vài  năm sau đó, trường đã đổi tên thành trường  Hùng Vương.  Hiện  nay trường đang bị phá bỏ để thay vào đó là một thương xá.

        Chúng  con,  các  cựu  học  sinh  trường  Dục  Đức,  hết lòng mang ơn Thầy Hiệu Tưởng và quý Thầy Cô Giáo đã giáo dục chúng con  nên  người.  Các  thầy  cô  đã xây dựng cho chúng con một nền tản giáo dục vững chắc về kiến  thức  khoa  học,  xã  hội, cũng như về mặt đạo đức,  nhân bản.  Chúng con luôn tự hào vì đã có được những giáo viên gương mẫu đã tận tình dạy dỗ với tất cả lòng nhiệt tình và thương  yêu,  điển hình nhất là thầy Hiệu trưởng Dương Bội Cơ.

        Chúng con chân thành kính nhớ thầy  Hiệu  trưởng  Dương  Bội  Cơ  cùng một số Thầy Cô đã qua đời với lòng yêu mến và biết ơn sâu xa, và bằng những lời cầu nguyện cho linh hồn của các Thầy Cô được hưởng an lạc đời đời ở bên kia thế giới.

Các cựu học sinh trường Dục Đức

Tháng 12 năm 2006

Copyright © 2008-2019 www.ducducbienhoa.com. All Rights Reserved.